Những luật về lao động châu Âu bạn cần ghi nhớ?

Lượt xem: 256 Ngày đăng: 17/06/2021 Đăng bởi: Administrator
Ở Châu Âu cũng như nhiều thị trường lao động khác, có các luật về lao động mà các bạn cần nắm rõ trước khi sang đó làm việc để tránh mất những quyền lợi hoặc vi phạm vào luật lao động của châu Âu,...
1. Thời gian để người nước ngoài bắt đầu một hợp đồng lao động
Người nước ngoài có thể được thuê làm việc khi có giấy phép lao động và giấy phép cư trú làm việc. Nếu không có những giấy tờ này thì không thể ký kết được một hợp đồng lao động hợp pháp.
Theo Luật lao động, quan hệ lao động bắt đầu từ ngày thực hiện hợp đồng. Nếu người lao động không bắt đầu làm việc vào đúng ngày như đã thỏa thuận mà không đưa ra được lý do thỏa đáng thì người sử dụng lao động có quyền hủy bỏ hợp đồng. Trước khi đạt tới những thỏa thuận của hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh khi ký kết hợp đồng cũng như kế hoạch làm việc và trả lương. Nếu là lao động nước ngoài, vấn đề này phải được thỏa thuận trước hoặc ngay khi có đề nghị hứa hẹn làm việc (hoặc trước khi ký hợp đồng lao động), điều này là cần thiết để báo cáo lên Văn phòng Giao dịch việc làm Nhà nước khi nộp đơn xin cấp giấy phép làm việc. Một số trường hợp người lao động phải qua đợt kiểm tra sức khỏe và người sử dụng lao động có trách nhiệm về việc này.
 
Kể từ ngày đầu tiên thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm:
- Thông báo cho người lao động về quy chế làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động và phù hợp với pháp luật, những quy định cần thiết khác để đảm bảo an toàn và sức khỏe trong khi làm việc cũng như thỏa ước lao động tập thể và nội quy. Những thông báo này phải được truyền đạt cho người lao động bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được, tốt nhất là bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Luật không quy định hình thức thông báo phải bằng văn bản hay bằng miệng
- Phân công việc cho người lao động theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Trả lương đúng hạn, đúng mức đã thỏa thuận.
- Tạo điều kiện cho người lao động hoàn thành tốt công việc.
- Tôn trọng các điều khoản quy định theo pháp luật, thỏa ước lao động tâp thể và hợp đồng lao động.

Kể từ ngày bắt đầu công việc người lao động có trách nhiệm tuân theo chỉ dẫn của người sử dụng lao động, thực hiện đúng những cam kết công việc trong hợp đồng, thực hiện đúng thời gian làm việc, kỷ luật lao động cũng như các quy định về sức khỏe và an toàn lao động khi làm việc
 
2. Các điều khoản của hợp đồng lao động và việc ký kết hợp đồng lao động
Các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động được quy định trong Luật lao động bao gồm:
- Loại hình công việc mà người lao động nhận làm (phải đúng với loại hình đăng ký trong giấy phép lao động),
- Nơi làm việc (thành phố, thị xã và đơn vị tổ chức hoặc nơi làm việc cụ thể) phải đúng với nơi đã đăng ký trong giấy phép lao động do Văn phòng giao dịch việc làm Nhà nước cấp,
- Ngày bắt đầu công việc,
- Các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản phát sinh trong quan hệ lao động,
- Các điều khoản khác đối với các bên tham gia hợp đồng ví dụ như thời gian thử việc (tối đa là 3 tháng), đối với người nước ngoài thì trong hợp đồng phải có thêm điều khoản về thời gian gia hạn hợp đồng (nếu có)
 
Luật lao động quy định hợp đồng phải thể hiện dưới dạng văn bản và có chữ ký của hai bên. Nếu là người lao động nước ngoài thì bản hợp đồng phải là song ngữ để cả hai bên có thể nắm được đầy đủ các điều khoản của hợp đồng và tránh được các vấn đề phát sinh. Người sử dụng lao động phải sao lại một bản hợp đồng cấp cho người lao động
 
3. Những yêu cầu đối với cá nhân người lao động
- Loại hình công việc được hiểu là nghề hay hình thức làm việc mà người lao động nhận làm. Việc xác định loại hình công việc không nên quá rộng để tránh tinh trạng thực hiện hợp đồng không đầy đủ, nhưng cũng không quá hạn hẹp, nếu không sẽ hạn chế tính tác nghiệp của người lao động. Do đó việc xác định loại hình công việc phải chính xác để quy định đúng phạm vi công việc của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Việc giao công việc khác là không đúng với cam kết của hợp đồng lao động và vì vậy khác với giấy phép làm việc.
- Địa điểm làm việc có thể là một hoặc một số địa điểm được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Cần phải quy định nơi làm việc thường xuyên, phòng trường hợp phải xác định công tác phí nếu người lao động được điều đi công tác trong thời gian làm việc. Nếu người lao động nước ngoài bị phát hiện làm việc ở địa điểm không đúng như trong giấy phép lao động thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
- Thời gian thử việc có thể thỏa thuận với người lao động nước ngoài, thông thường là 3 tháng theo như luật định, có thể thỏa thuận thời gian ngắn hơn. Nếu thời gian thử việc không được quy định bằng văn bản thì sẽ không có hiệu lực. Trong thời gian thử việc, một trong hai bên (người lao động hay người sử dụng lao động) đều có thể hủy hợp đồng mà không cần đưa ra lý do.
 
4. Trách nhiệm thông báo quyền và nghĩa vụ cho người lao động
Pháp luật quy định chủ sử dụng phải thông báo cho người lao động biết quyền và nghĩa vụ của mình. Việc thông báo đó được coi như là một phần của hợp đồng lao động hoặc phải được chuyển cho người lao động bằng văn bản chậm nhất trong vòng một tháng kể từ khi người lao động bắt đầu làm việc. Bất cứ sự thay đổi nào về quyền và nghĩa vụ, chủ sử dụng cũng phải thông báo cho người lao động. Trong trường hợp quan hệ lao động ít hơn một tháng thì không phải thực hiện nghĩa vụ này. Các thông tin này bao gồm:
- Tên, chức vụ của người đại diện cho bên sử dụng lao động nếu là pháp nhân, hoặc tên và địa chỉ của chủ sử dụng nếu là thể nhân,
- Xác định rõ công việc và địa điểm nơi làm việc,
- Quyền được nghỉ ngày lễ, tết theo Luật,
- Quy định rõ các điều khoản về việc thông báo kết thúc hợp đồng lao động,
- Xác định rõ về lương và các loại tiền thưởng, ngày được trả lương, nơi trả lương và hình thức trả lương
- Xác định rõ giờ làm việc trong tuần và việc bố trí giờ làm việc
 
Theo quy định của các nước thuộc Liên minh Châu Âu, người lao động phải được thông báo các điều khoản về nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, để đảm bảo an toàn cho người lao động và hạn chế các tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động. Nếu chủ sử dụng lao động không chấp hành nghĩa vụ này, hợp đồng lao động sẽ bị coi là không có hiệu lực và bị Văn phòng Giao dịch Việc làm Nhà nước phạt.
 
5. Chủ sử dụng có thể phân công người lao động thực hiện một công việc khác với hợp đồng?
Liên quan đến quan hệ lao động với người nước ngoài, hợp đồng lao động phải phù hợp với giấy phép làm việc, điều này có nghĩa là bất cứ sự thay đổi nào trong hợp đồng lao động cũng không được khác so với giấy phép làm việc.
Đối với mỗi thay đổi, chủ sử dụng cần thảo luận trước với Văn phòng Giao dịch Việc làm của Nhà nước, nơi cấp giấy phép làm việc và tùy vào từng trường hợp. Văn phòng Giao dịch việc làm của Nhà nước có thể cấp một giấy phép làm việc mới tương ứng. Nếu nơi làm việc bị thay đổi tới một vùng khác, thì cần có đơn xin cấp giấy phép làm việc tại nơi làm việc mới. Không được tự tiện phân công người lao động đến làm việc tại địa điểm khác.
Không được chuyển người lao động nước ngoài, thậm chí là tạm thời, cho một chủ sử dụng lao động khác. Phải hiểu rõ rằng giấy phép lao động được cấp trên cơ sở thị trường lao động và chủ sử dụng xin nhận người lao động nước ngoài do thiếu lực lượng lao động để hoàn thành công việc cho chính mình.
 
Cử người lao động đi công tác và phụ cấp công tác?
Người nước ngoài có thể được cử đi công tác như người lao động bản địa, nhưng thỏa thuận về việc đi công tác phải được ghi trong hợp đồng lao động. Công tác được hiểu là việc đi đến một địa điểm khác không phải là nơi làm việc thường xuyên, để thực hiện một vài công việc nhất định và sau khi hoàn thành sẽ trở về vị trí làm việc cũ.
Theo quy định việc đi công tác được thỏa thuận để hoàn thành yêu cầu công việc mà chủ sử dụng nêu ra. Yêu cầu của chuyến đi bao gồm: nơi người lao động được cử đến (khu vực, thành phố/tỉnh), thời gian bao lâu ,với mục đích gì, phương tiện đi lại. Người lao động được cử đi công tác, ngoài trả lương theo thỏa thuận, cũng có quyền được thanh toán công tác phí theo Đạo luật số 119-1992. Việc thanh toán tiền đi lại bao gồm:
- Chi phí đi lại (thông thường là vé phương tiện giao thông như vé máy bay, vé đặt chỗ, vé tàu nằm/ô tô  và những loại tương đương)
- Chi phí ở thực tế (người lao động có quyền thuê nhà trọ nếu người sử dụng không cung cấp được nhà ở)
- Trợ cấp tiền ăn theo quy định của luật hoặc thoả ước lao động tập thể.
- Chi phí cần thiết (điện thoại, fax, trông giữ hành lý, đỗ xe và những thứ khác tương tự)
 
Trợ cấp tiền ăn đối với mỗi ngày đi công tác được xác định như sau:
- 57-69 CZK, nếu chuyến đi kéo dài từ 5-12 giờ
- 87-105 CZK, nếu chuyến đi liên tục từ hơn 12 giờ đến 18 giờ
- 136-163 CZK, khi chuyến đi liên tục nhiều hơn 18 giờ
 
Trong những khoản trợ cấp đề cập ở trên thì trợ cấp tiền ăn do chủ sử dụng ấn định hoặc được quy định rõ trong thỏa ước tập thể. Trường hợp người lao động thay đổi chỗ làm việc thường xuyên do tính chất của công việc, thỏa ước lao động tập thể có thể quy định trợ cấp bữa ăn hàng ngày thấp hơn (nếu không quy định trong thỏa ước tập thể, thì việc thanh toán phải được áp dụng theo luật định). Nếu bữa ăn được chủ sử dụng lao động bảo đảm miễn phí, thì không được trợ cấp tiền ăn và nếu chỉ miễn phí một phần bữa ăn thì  tiền trợ cấp ăn chỉ được căt giảm một phần tương ứng.
  • tags

Đối tác của chúng tôi
Vingroup
Hrshare
Cen Group
Tổ chức GD PTI
TASCO
Devwork
HRD Academy
HR Mart